2014/11/02

NÚI NỢ CÔNG CHA CHUNG AI SẼ KHÓC?

Đặng Huy Văn: Suốt tuần qua, cả nước xôn xao bởi Quốc Hội họp đã đưa ra thảo luận vấn đề, vì sao chỉ trong bốn năm từ 2010 đến 2014 mà núi nợ công của nước ta đã tăng lên gấp tới hai lần rưỡi? Trong khi bốn năm đó, cả thế giới người ta đã tìm mọi cách để cắt giảm nợ công thì Việt Nam mình lại cố tình tăng nợ công lên đến mức khủng khiếp như thế là sao? Mà trên thực tế, bốn năm qua các công trình xây dựng công cộng đều bê trễ hoặc chậm tiến độ hoặc dừng triển khai. Các công trinh dân sinh trên cả nước như trường học, bệnh viện, nhà gửi trẻ…đã triển khai được mấy cái? Còn bao nhiêu vùng núi cầu treo đứt gẫy chết người, dân phải qua suối đi làm, đi học bằng dây cáp, bằng túi ni lông?

Vậy núi tiền nợ công tăng lên 2,5 lần đó đã đi về đâu? Để tăng chi phí quốc phòng ư? Thế tại sao dạo giặc Tàu ngang ngược đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam, chúng ta chỉ có một số tàu nhỏ ọp ẹp trang bị cho cảnh sát biển để chống lại hàng trăm tàu chiến hiện đại của Trung Quốc? Các tàu ngầm Ki-Lô của Nga đã mua về có dùng được không hay lại bị các tàu ngầm Ki-Lô của Nga bán cho Tàu hiện đại hơn không chế? Hay mấy cái Ki-Lô đó cũng thuộc dạng “Hoa Sen” và “Ụ Nổi” hỡi ông?

Núi nợ công sừng sững do không thể nào giấu giếm được nữa nay cũng vừa mới được hé lộ chỉ một phần thôi mà đã làm cho các đại biểu Quốc Hội nổi da gà thì việc mấy triệu người đang làm công hay đã về hưu năm nay không được tăng lương sẽ cảm thấy thế nào? Một viên chức nhà nước lương chỉ 3 hay 4 triệu VN đồng một tháng mà đã phải bỏ ra ngót nghét vài ba trăm triệu để thi tuyển công chức mà nay không được tăng lương thì họ sẽ nghĩ gì trước núi nợ công khổng lồ mà con cháu họ trong tương lai phải trả đây? Những kẻ nào trong đảng cộng sản đã chiếm dụng công quỹ để tạo ra núi nợ công khổng lồ đó?

Ông chủ tịch Quốc Hội có trả lời nhân dân được các câu hỏi này không hay ông cũng sẽ lờ đi và hùa cùng với đảng cộng sản của ông để ăn chia “mọi thứ” cùng mồ hôi nước mắt của các con cháu trong tương lai?

NÚI NỢ CÔNG CHA CHUNG AI SẼ KHÓC?
(Kính gửi Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam)

Phải chăng đảng cố giành cho con cháu
Trong tương lai cả một núi nợ công
Chỉ bốn năm tăng gấp hai lần rưỡi
Để mai sau trả nợ đến lưng còng?

Đảng phải vay vì quốc dân thiếu vốn
Hay là vay tiền về để chia nhau?
Xây đường sá, sân bay…hai khai bốn
Mà vẫn chưa thõa mãn hết “cung, cầu”

“Cung” là đảng cứ tăng thêm dự án
“Cầu” là quan cần chén chú chén anh
Đây là thời cứ “phần trăm” cắt xén
Tiền của công về tài khoản gia đình

Hãy xem đảng ra nước ngoài mua máy
Second-hand vẫn khai máy mới toanh
Nhập máy Tàu gửi qua Đức làm phép
Tiền dân vay đảng cứ việc tung hoành

Đường vừa mới khánh thành xong đã lún
Đập vừa xây chưa tích nước đã rò
Cầu vừa bắc mới vài năm đã hỏng
Không nợ công lấy gì để bù vô?

Các công trình Tàu thắng thầu giá thấp
Khi triển khai tạm dừng để tăng tiền
Bởi cửa trước và cửa sau cách biệt
Khai tăng tiền cùng lợi cả đôi bên

Bà phó Doan đã có lần lỡ miệng
“Không thể ngờ thứ gì họ cũng ăn!”
Ăn “đủ thứ” từ công trình công cộng
Bằng tiền chùa lòng đỡ phải băn khoăn!

Nay quân đội đang cần lên hiện đại
Cần tàu ngầm, tên lửa để chống Tầu
Đảng chỉ mua của nước nào “lại quả”
Ăn hai mang ai biết đấy là đâu!

Quan các tỉnh cứ xin tăng dự án
Không quan tâm dự án đó cần không
Bởi đảng cần tiền phần trăm phết phẩy
Chứ hơi đâu lo núi nợ chất chồng!

Nên chắc chắn nợ công còn tăng nữa
Bởi không tăng thì đảng lấy gì măm
Dù Quốc Hội có khua chiêng gõ mõ
Thì nợ công vẫn tăng vọt nhiều lần!

Núi nợ công cha chung ai sẽ khóc?
Chỉ dân thôi, vì đảng mất gì đâu
Nếu vỡ nợ nước nhà thành hỗn loạn
Nhân thời cơ đảng sẽ biến sang Tầu?

Bởi cả nước công trình Tầu nhiều lắm
Từ cầu đường, đập thủy điện, sân chơi…
Chúng cho nợ để sau này đem trả
Bằng núi xương sông máu cả giống nòi!

Nay muốn giữ núi sông cho con cháu
Thì phải đòi đảng cắt giảm nợ công
Đừng để đến lúc nước nhà vỡ nợ
Dân mới gào, Tổ Quốc liệu còn không?

Nếu cái núi nợ công không giảm được
Thì xin mời đảng cộng sản nghỉ ngơi
Để dân tộc tự đứng lên cứu nước
Cứu giang sơn cùng con cháu muôn đời!

Hà Nội, 2/11/2014
Đặng Huy Văn

No comments:

Post a Comment