2014/11/28

MUÔN ĐỜI TẠC DẠ GHI LỜI NÚI SÔNG!

danluan_00008.jpg

Đặng Huy Văn: Ngày 20/11/2014 vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày vào trường đại học, anh chị em cùng lớp đại học của chúng tôi đã tổ chức một chuyến du ngoạn tới Làng Cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội để viếng Lăng Vua Ngô Quyền, thăm Đền Thờ Phùng Hưng, viếng Mộ nhà ngoại giao cương nghị Giang Văn Minh và “dãy duối ngàn năm tuổi” nơi ngày xưa quân sĩ của Ngô Quyền đã dùng để buộc ngựa. Sáng cuối thu nắng đẹp và mát mẻ đã làm cho chúng tôi cảm thấy như được hòa hồn mình vào hồn non nước Đường Lâm linh thiêng. Đặc biệt, tôi đã trào nước mắt trước Ngôi Lăng nhỏ thó xưa cũ của vị Anh Hùng Dân Tộc Ngô Quyền, người con vĩ đại của núi sông với chiến thắng Bạch Đằng Giang đã kết thúc một ngàn năm Bắc Thuộc của các chế độ phong kiến Phương Bắc đối với Dân Tộc Việt Nam ta.


Ra về, tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội tới hơn 50 năm rồi mà chưa một lần nào được trường đại học hay phường quận nơi tôi ở tổ chức cho thầy trò đi viếng Lăng Vua Ngô Quyền mà chỉ tổ chức vào viếng lăng Hồ chủ tịch? Tại sao Lăng của vị Anh Hùng Dân Tộc vĩ đại Ngô Quyền, người đã giải phóng dân tộc ta thoát khỏi ách đô hộ một ngàn năm Bắc Thuộc của các triều đại phong kiến Phương Bắc lại không được tu bổ tôn tạo cho tương xứng với công lao của Người để đồng bào cả nước vào viếng thăm, mà lăng của Hồ chủ tịch, người đã có công đuổi Phương Tây đi và rước Phương Bắc vào nước ta thêm một lần nữa lại được xây dựng đồ sộ và tốn kém hàng tỷ đô la như thế?

Đầu năm 2012, lần đầu tiên được mời lên thăm Đường Lâm, tôi đã viết bài “Đầu Xuân Vãn Cảnh Đường Lâm”(1) trong đó đã nói đến Lăng Ngô Vương và một số di tích lịch sử của Làng Cổ Đường Lâm. Lần này, tôi xin được trân trọng gửi tới quý vị độc giả đôi điều trăn trở về hiện tình đất nước khi tôi quỳ khấn lạy trước Lăng Ngô Vương và những điều tôi cảm nhận được từ hồn thiêng của Đức Vua như những lời nhắn nhủ cùng con cháu mai sau của Vua Ngô Quyền, một “Người Con vĩ đại của Dân Tộc Việt Nam”.  

MUÔN ĐỜI TẠC DẠ GHI LỜI NÚI SÔNG!     
(Lời khấn và cảm nhận trước Lăng Ngô Vương vĩ đại)
     
      Ngàn năm Bệ Hạ nằm đây
Thưa Ngô Vương, hỏi thời này lạ chưa?

      Người đần thì được làm vua
Học hàm học vị bán mua dễ dàng
      Cúi luồn hơn hẳn tài năng
Bạc vàng trên cả họ hàng người thân
      Kẻ gian rao giảng nghĩa nhân
Những người chính trực thì gần nhà giam
      Lọc lừa chễm chệ cửa quan
Dân lành khiếu kiện kêu oan nối đời
      Ngai vàng chót vót thích ngồi
Giặc Tàu giày xéo giống nòi mặc ai!

      Ngô Vương có nhớ những ngày
Ngàn năm Bắc Thuộc đọa đày cần lao
      Núi xương, sông máu đồng bào
Ghi danh tên tuổi biết bao anh hùng
      Mà giờ chúng đổ xuống sông
Để xây nên vị “anh hùng thân Mao”
      Thờ điện lớn, viếng lăng cao
Ngày ngày rước đón đồng bào ghé thăm
      Mà quên Lăng Mộ ngàn năm
Thờ Ngô Vương chốn Đường Lâm xứ Đoài!!!

      Tàu kéo vào giúp những ai?
Phải chăng để giúp giống loài sói lang
      Tham lam cố giữ ngai vàng
Cho bầy bán nước Việt gian lụy Tàu
      Mà quên Bắc Thuộc khổ đau
Ngàn năm giày xéo đồng bào trời Nam
      Khiến Ngô Quyền uất hờn căm
Làm nên trận Bạch Đằng Giang lẫy lừng(2)
      Trước Lăng kính lạy anh hùng
Chỉ cho dân Việt chặng đường tương lai!

       Vua rằng, còn đất còn trời
Còn dân tộc Việt còn người đồng tâm
      Chống Tàu truyền kiếp ngoại xâm
Đập tan bè lũ buôn dân hại người
      Trăm năm chỉ một lần thôi
Khi vận nước đến nhất thời đứng lên
      Phá cùm gông đập xích xiềng
Quyểt giành quyền sống thiêng liêng mỗi người
      Đuổi về rừng lũ đười ươi
Bao năm giày xéo giống nòi Việt ta!
      
      Và thêm, hỡi giặc Hán Hoa!
Chúng bay hãy xéo về nhà làm ăn
       Để cho dân Việt kết đoàn
Đứng lên xây lại giang sơn đẹp giàu
      Trường-Hoàng Sa trả ta mau
Nếu không muốn bị dìm vào Biển Đông
      Diên Hồng khai hội non sông
Năm Châu con Lạc cháu Hồng về đây
      Cùng nhau đoàn tụ sum vầy
Tự Do, Dân Chủ…tương lai rạng ngời!

      Ngô Vương ơi cám ơn Người
Muôn đời tạc dạ ghi lời núi sông!

Hà Nội, 29/11/2014
Đặng Huy Văn


       
  

No comments:

Post a Comment