2021/06/06

ÔNG BÀ NỘI DẤU YÊU CỦA TÔI-BÀI 2

 Bà nội tôi là thứ nữ của Cố Bộ, một Gia Tộc khoa bảng ở Nghệ An.

Cố Bộ thân sinh của bà nội tôi thuộc một gia tộc nổi tiếng về khoa bảng người Nghệ An, bản quán tại thôn Dương Liễu, xã Nam Dương, huyện Nam Đàn. Cố Bộ từng có một thời gian dài dạy học tại Thị Xã Hà Tĩnh nên người con gái đầu lòng của Cố đã được gả làm con dâu của Cố Cửu Giang dòng họ Nguyễn Cao, bạn học của Cố Bộ ngày còn cùng học ở Huế, người xã Phát Não, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. 

Tình cờ một lần Cố Cửu Giang lên thăm Bà Cố Đảng mới khoe, con dâu của Cố có một cô em gái rất thảo hiền và xinh đẹp đang ngấp nghé tuổi hai mươi cũng thích lấy chồng Hà Tĩnh để có chị có em. Được lời như cởi tấm lòng, Bà Cố Đảng, cố nội của tôi liền nhờ Cố Cửu Giang thu xếp một số buổi cho Cố Nội tôi gặp gỡ để coi mắt cô em. Sau vài buổi gặp gỡ định mệnh tại nhà Cố Cửu Giang, Bà Cố Đảng dù rất khó tính mà đã ưng mắt luôn. Cố nhẩm tính, còn gì hơn “gái hơn hai trai hơn một”, thế là chỉ vài tháng sau về, cố nội tôi liền nhờ Cố Cửu Giang đưa ra tận thôn Dương Liễu, xã Nam Dương, huyện Nam Đàn, Nghệ An gặp gỡ ông bà Cố Bộ và ngỏ lời xin phép chọn ngày lành tháng tốt để dạm ngõ xin cưới cô em cho con trai mình mà không hề hỏi ý kiến của ông nội tôi. Nhưng ông nội tôi là một người con hiếu thảo nên đã chiều theo ý mẹ. Đó là vào cuối năm 1904, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ và một đám cưới linh đình rước dâu từ Nghệ An qua đò Sông Lam vào tận xã Đức Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh quê tôi ngày đó đã diễn ra. 

Sau này, tôi từng có bảy năm được ông bà nội nuôi ở hẳn với ông bà nên tôi mới cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của bà nộị tôi. Lúc nào bà nội cũng tận tâm với chồng, nhất mực thương các con và hết lòng yêu các cháu không kể là nội hay ngoại. Đặc biệt bà nội tôi còn luôn sẵn lòng cưu mang những người bà con của mình khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn mà không hề so đo tính toán. Sau đây, tôi xin thuật lại một nghĩa cử của bà nội mà tận mắt tôi đã được chứng kiến khi đang ở tại nhà ông bà nội.

Chuyện là vào khoảng năm 1950-1951, gia đình ông bà Chắt Cẩn, một người em thúc bá của bà nội tôi đang thiếu ăn thiếu mặc phải gồng gánh nhau từ Nam Đàn Nghệ An vào Hà Tĩnh để mưu sinh. Ông bà Chắt Cẩn thường xuyên đau yếu lại còn phải nuôi thêm một người con trai khiếm thị tên là chú Tứ. Ngày đó ông bà nội tôi đã giành hẳn ba gian nhà ngang cho ông bà Chắt Cẩn và chú Tứ khiếm thị ở. Hàng ngày, ông bà nội tôi lo cơm nước chu đáo cho cả ba người. Còn tôi thì hôm nào đẹp trời lại dắt chú Tứ đi dạo quanh trong vườn hoặc dắt chú ra ngoài ngõ ngồi chơi. Ông bà Chắt Cẩn ở tạm nhà ông bà nội tôi khoảng hơn một năm thì được bà Chắt Cát là chị ruột của ông Chắt Cẩn giúp đỡ tiền bạc. Rồi hai ông bà Chắt Cẩn chuyển lên làm nhà trên xã Cẩm Duệ để tăng gia sản xuất và bà Chắt Cẩn đã qua đời vì bạo bệnh ngay tại xã Cẩm Duệ khoảng hai năm sau đó.

Đến đầu năm 1953, khi ba tôi đang là Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Uỷ tỉnh Thanh Hóa về nhà mới nói cho ông bà nội tôi biết: "Con trai cả của cậu mợ Chắt nay là Bộ Trưởng Bộ CA Trần Quốc Hoàn đang bận công tác mãi trên Chiến Khu Việt Bắc nên không thể về chăm sóc được cha mẹ mình, ba mẹ ạ!" thì bà nội tôi mới ngơ ngác hỏi lại ba tôi:

- Mẹ nghĩ, chắc là con nhầm với ai đó, chứ thằng cả nhà cậu mợ Chắt hồi nhỏ đã có mấy lần cậu Chắt đưa vào chơi nhà mình có tên là Nguyễn Trọng Cảnh cơ mà?

Hà Nội, 23/5/2021

Đ.H.V.

(Còn nữa)

No comments:

Post a Comment