PHÚC ĐÌNH
(Thư ngỏ gửi ngài Tổng Thống Mỹ Barack
Obama)
Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2016
Kính gửi ngài
Tổng Thống Mỹ Barack Obama,
Nhân dịp tối nay, ngài sẽ rời Sài Gòn để bay đến thăm thành phố
Hiroshima của Nhật Bản, tôi khẩn thiết mong được ngài mang giùm tôi bức thư ngỏ
này tới người cha đỡ đầu của tôi cũng quê ở Hiroshima. Ông ấy tên là Miozawa
sinh năm 1921, năm nay 95 tuổi, nên tôi hi vọng là cha đỡ đầu của tôi bây giờ
vẫn còn sống.
Chuyện là cuối năm 1948, ông bà nội của tôi đã được tỉnh Hà Tĩnh
đề nghị bố trí chỗ ở cho hai người hàng binh Nhật Bản về xã tôi công tác. Một
người tên là Miozawa và một người nữa tên là Fukưda. Cả hai hàng binh người Nhật
này đều cùng quê hương Hiroshima ,
nơi đã bị một quả bom nguyên tử chôn vùi một lúc hàng chục vạn người trong
đống đổ nát. Hồi ấy, ông bà nội tôi là một đại điền chủ yêu nước giàu có nhất
vùng, nên tỉnh nhờ ông bà nội tôi nuôi hộ hai hàng binh Nhật cũng có ý để đỡ
mất chi phí. Hơn nữa, vì ông nội tôi giỏi tiếng Pháp nên chú Fukưda biết tiếng
Pháp sẽ làm phiên dịch cho chú Miozawa với mọi người.
Hai hàng binh người Nhật này đã mất tất cả sau vụ ném bom nguyên
tử đó! Chú Miozawa mất vợ và hai đứa con nhỏ. Còn chú Fukưda mất cha mẹ và năm
anh chị em ruột. Chú Fukưda chưa có vợ con vì ngày nhập ngũ đang là sinh viên
đại học. Sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh tháng Tám 1945, hai chú ấy đã ra
hàng Việt Minh và xin ở lại Việt Nam . Thời gian đầu, hai chú ấy ở
thị xã Hà Tĩnh. Nhưng sau ngày toàn quốc kháng chiến, tỉnh đã gửi hai chú ấy
tới một số địa phương giúp huấn luyện dân quân tự vệ và bộ đội địa phương. Cuối
năm 1948, khi hai chú ấy đến ở nhà ông bà nội của tôi, tôi đang ở tuổi lên 5 bụ
bẫm trắng trẻo như một đứa trẻ Nhật, nên hai chú ấy rất yêu chiều tôi. Chú
Fukưda hay dắt tôi đi dạo loanh quanh trong vườn và tìm mọi cách không cho tôi
lại gần chú Miozawa. Bởi vì hễ thấy tôi là chú Miozawa lại ôm chặt tôi vào lòng
rồi khóc gào thảm thiết: “Con trai của cha ơi! Con trai của cha ơi! Đừng bỏ cha
con nhé!”
Rồi có một lần cứ ôm chặt tôi vào lòng như thế, chú ấy nằm vật vã
trên sân và tuôn ra hàng tràng thứ tiếng Nhật lạ tai làm cho cả nhà ông bà nội
tôi bị một phen hoảng hồn. Lúc đầu thấy chú Miozawa đối xử với tôi như thế, ông
bà nội tôi sợ lắm. Nhưng dần dà, ông bà nội tôi thấy thương nên đã cho chú ấy
bế tôi đi chơi khắp nơi và không thấy chú ấy gào khóc như ban đầu nữa. Đi huấn
luyện quân sự ở thao trường thì chớ, hễ về đến nhà là chú ấy lại tìm tôi cho
bằng được. Lúc thì chú ấy cho tôi ngồi trên cổ đi dạo, lúc thì chú ấy bò dưới
sân cho tôi ngồi trên lưng chơi trò phi ngựa. Một lần, chú ấy phi nhanh quá làm
cho tôi suýt ngã, tôi phải lấy hai tay ôm chặt vào cổ và mặt chú ấy thì hai bàn
tay của tôi ướt đẫm nước mắt. Hóa ra, những lúc tôi reo cười trên lưng thì chú
ấy vừa bò vừa khóc để tôi không nhìn thấy nước mắt. Sau lần đó, tôi nói: “Nếu
chú cứ hay khóc nhè như thế, cháu sẽ không chơi với chú nữa!”
Rồi bất ngờ vào một ngày đầu thu năm 1949, ông nội tôi đã chủ động
mời cả hai chú Miozawa và Fukưda lên chùa Tịnh Lâm trên đỉnh núi Trò của quê
tôi nói là để vãn cảnh và cầu kinh. Khi lên tới chùa, tôi ngạc nhiên thấy hai
chú ấy cũng thắp hương khấn vái giống y hệt ông nội tôi. Hôm đó, ông nội tôi đã
mua rất nhiều hình nhân bằng giấy, cả người lớn và trẻ con cùng rất nhiều quần
áo bằng giấy ngũ sắc đủ loại. Ông nội tôi đã đặt tất cả những hình nhân, quần
áo vàng mã đó lên các ban thờ và mở lời nhờ sư thầy cùng các vãi trong chùa:
- Bạch thầy, hai hàng binh người Nhật này tên là Miozawa và Fukưda.
Cha mẹ, vợ con và anh chị em ruột của họ đã bị chết oan uổng trong thảm họa bom
nguyên tử của Mỹ tại thành phố Hiroshima Nhật Bản cách đây tròn bốn năm. Hôm
nay nhân ngày giỗ lần thứ tư của họ, kính mong thầy hóa giải cho oan hồn của
thân nhân hai người Nhật này được giải thoát, nước Nhật của hai anh ấy được mãi
mãi sống trong hòa bình và nhân loại chúng ta sẽ đời đời thoát khỏi thảm họa
bom nguyên tử!
Ông nội tôi vừa dứt lời, thì cả hai chú ấy đã quỳ rạp xuống đất
sát chân sư thầy và nói một tràng tiếng Nhật. Không biết nhà sư có hiểu gì
không, nhưng thấy sư thầy cứ luôn mồm, “Mô phật! Mô phật!”như là người đã thấu
hiểu tất cả.
Rồi nhiều hồi chuông liên tục được gióng lên. Hai chú Miozawa và
Fukưda quỳ ngay sau lưng sư thầy. Sư thầy ngồi đối diện với ban thờ chính điện
nơi có tượng đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, vừa gõ mõ vừa tụng kinh. Nhiều sư, nhiều
tiểu và hàng chục vãi của các chùa khác trong huyện đã đến quì trước sân chùa
tụng kinh. Ông nội tôi và tôi cũng quỳ cùng các vãi ở phía sau. Buổi lễ kéo dài
suốt buổi chiều đến xẩm tối mới xong. Sau khi kết thúc buổi lễ, lại nhiều hồi
chuông nữa được gióng lên âm vang cả một vùng quê yên ã. Sau cùng, ông nội tôi
cùng hai chú Miozawa và Fukưda đã mang các hình nhân và đồ vàng mã ra phía cổng
chùa để đốt. Chú Miozawa vừa đốt các hình nhân trẻ con vừa khóc, còn chú Fukưda
thì đọc những lời gì đó bằng tiếng Nhật trông rất thành tâm, có lẽ tương tự lời
tụng kinh của người Việt chúng ta.
Sau này, ông nội mới nói cho tôi hay rằng, đó là một buổi lễ cầu
siêu để giải thoát cho linh hồn của thân nhân hai chú Miozawa và Fukưda. Để
thực hiện buổi lễ này được chu đáo, ông nội tôi và nhà chùa đã phải chuẩn bị
mất hơn một tháng. Sau lần đó về, chú Miozawa đã quỳ trước mặt ông bà nội tôi cám
ơn và chính thức xin được nhận tôi làm con trai đỡ đầu. Chú ấy tự đặt tên tôi
là Onoda trùng với tên đứa con trai đầu lòng đã mất của chú ấy. Ngày bị bom
nguyên tử sát hại, Onoda cũng trạc tuổi tôi lúc này
Không hiểu sao, kể từ ngày đó tôi không thấy chú Miozawa, cha đỡ
đầu của tôi khóc nữa. Hễ có thời gian rỗi là chú ấy lại tìm tôi. Lúc thì chú ấy
dạy tôi học vẽ, lúc thì người lấy giấy bày cho tôi xếp thuyền, gấp máy bay hoặc
những con vật rất ngộ nghỉnh. Tôi đang rất hạnh phúc bên người cha đỡ đầu Nhật
Bản yêu quí ấy thì vào một buổi chiều mùa đông Noel giá lạnh năm 1949, có hai chú bộ đội đã đến dẫn hai chú ấy đi đâu, tôi không rõ nữa. Lúc bấy giờ, tôi đã
nằm lăn xuống đất khóc gào: “Hãy để cho cha đỡ đầu của tôi được sống mãi ở
đây!” Thấy tôi gào khóc, cha đỡ đầu Miozawa của tôi cũng không cầm được nước
mắt cứ ôm chặt lấy tôi an ủi: “Con nín đi, cha sẽ trở lại tìm con mà, Onoda yêu
dấu của cha ạ!”
Kính thưa ngài Tổng Thống,
Kể từ ngày tôi phải chia tay với người cha đỡ đầu Miozawa yêu dấu
ấy đến hôm nay đã vừa tròn 66 năm 5 tháng. Nhưng tôi chưa hề được gặp lại người
cha đỡ đầu Hiroshima đó, mặc dù thẳm sâu trong tâm khảm, hình ảnh người cha đỡ
đầu Nhật Bản đó đã không bao giờ phai mờ. Cuối năm 1954, ông bà nội tôi có nhận
được một lá thư của chú Fukưda gửi sang nói là cả hai chú ấy đã về đến Hiroshima an toàn khỏe
mạnh. Nhưng đến cuối năm 1955, ông bà nội của tôi không may đã bị chết đói, nên
từ đó chúng tôi đã không còn nhận được thư từ tin tức gì từ hai chú ấy nữa!
Vậy khi ngài đặt chân đến Hiroshima, tôi kính nhờ ngài hỏi hộ xem,
tại sao thành phố Hiroshima quê hương của cha đỡ đầu của tôi đã bị hủy diệt bởi
bom nguyên tử, mà chỉ 20 năm sau đã được xây dựng lại phồn thịnh hơn
trước chiến tranh? Trong khi thành phố Sài Gòn của Việt Nam không hề bị quân đội Mỹ
tàn phá trong chiến tranh, mà tại sao sau hơn 40 năm sống trong hòa bình, Sài
Gòn hôm nay vẫn còn là một công trường xây dựng ngổn ngang?
Cuối bức thư ngỏ này, tôi xin kính nhờ ngài Tổng Thống chuyển tới
nhân dân Hiroshima
trong đó có cả cha đỡ đầu của tôi lòng biết ơn và cảm phục sâu sắc. Bởi vì
chính nhân dân Hiroshima
là những người đã thấm nhuần tư tưởng chính yếu của Đạo Phật là “Lấy Ân Báo
Oán”, đã biến những cựu thù trong chiến tranh trở thành những người bạn tốt của
nhau.
Xin được trân trọng cám ơn ngài Tổng Thống!
Nam Mô A Di Đà
Phật!
Phật tử Phúc Đình
No comments:
Post a Comment