Đặng
Huy Văn: Sáng nay đang ngủ ngon giấc thì bỗng giật mình bởi chuông điện
thoại reo, rồi giọng Phụng Minh vang lên “Anh Văn ơi, mạ em đã mất chiều qua
rồi!” Tôi bàng hoàng không tin, tưởng đang nằm mơ ngủ. Vì năm ngoái chúng tôi
cũng đã nhận được tin từ một người bạn “Cô Như Ý đã mất!”. Tôi và anh bạn tôi vội
vàng đến tận chung cư cô giáo ở, đang hỏi mọi người xem đám tang cô Như Ý được
tổ chức ở đâu, thì một bàn tay đập vào lưng tôi làm tôi giật mình : “Cô ở đây,
hai em vào nhà chơi!” làm cả cô giáo và hai học trò cười huề. Lần đó thấy cô
còn khỏe, chúng tôi nghĩ chắc cô còn sống được mười năm nữa. Ai ngờ!
Cô
giáo Như Ý dạy Văn lớp 5C, 6C của tôi hồi tôi học tại trường cấp 2 Thị Xã Hà
Tĩnh. Cô giáo biết nhà tôi nghèo lại phải đi bộ 7 cây số mới đến trường nên nhiều
hôm tôi đi học muộn giờ, cô vẫn cho tôi vào lớp. Đặc biệt giờ Văn nào của cô
tôi cũng ngủ gật vì cô giảng êm nhẹ như lời mẹ ru. Vài lần đầu thì cô gọi tôi dậy
học tiếp nhưng sau biết tôi phải đi học xa lại không được ăn sáng, nên cô không
gọi tôi thức dậy nữa. Để bày tỏ lòng biết ơn cô, bài tập làm văn nào tôi cũng
làm rất xuất sắc và luôn thuộc lòng tất cả các bài thơ cô giao phải học ở nhà.
Học thuộc lòng thơ thì dễ, nhiều bài thơ tôi chỉ đọc qua một lượt là thuộc rồi.
Truyện Kiều thì năm 12 tuổi tôi đã thuộc làu làu. Cái cách vừa dạy vừa thương của
cô đã làm cho tôi bị khích lệ. Chẳng thế mà sang năm học cấp 3, thầy giáo Hoàng
Xuân Phố là chồng cô Như Ý dạy toán lớp 10C của tôi, tôi đã trả ơn thầy cô bằng
thành tích đứng đầu môn Văn toàn khối 10 của trường cấp 3 Phan Đình Phùng và
đạt giải nhất học sinh giỏi Toán toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 1964.
Bây
giờ cô Như Ý đã vĩnh viễn đi xa, thọ 88 tuổi, lòng tôi buồn khôn tả! Ngày mai
15/6/2015, từ 8h30 đến 10h30, chúng tôi sẽ đến viếng cô tại nhà Tang Lễ Bệnh Viện
103, Hà Đông. Không lời nào có thể tả xiết nỗi mất mát và trống vắng khi phải
vĩnh viễn xa cô giáo, người mẹ thứ hai của tôi! Tôi xin gửi tới chị Phụng
Minh một bài viết vội cùng lời chia buồn và kính chúc hương hồn cô Như Ý sẽ
được thênh thản ở chốn Thiên Đường mãi mãi.
NAY VỀ TANG LỄ TIỄN ĐƯA CÔ!
(Kính viếng hương hồn cô giáo Như Ý)
Chúng em là những
học trò xưa
Biết tin cô mất
cũng mới vừa
Với tấm lòng son
đau nhức buốt
Nay về tang lễ tiễn
đưa cô!
Thương cô sống một
đời tận tụy
Dạy trẻ yêu người
lẫn yêu thơ
Câu Kiều cô giáo
trao ngày ấy
Canh cánh bên em
đến tận giờ!
Xưa chàng Kim Trọng
về quê cũ
Vương Ông bị
chúng cướp tan nhà
Bởi lũ ruồi xanh
nhơ nhớp đó
Kiều phải bán mình
chuộc thân cha!
Cô giáo giảng Bình
Ngô Đại Cáo
Mà như lời hịch
của non sông
Giặc Ngô là kẻ
thù truyền kiếp
Ích Tắc bây giờ
có biết không?
Cô giảng áng thơ
xưa oanh liệt
Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư!
Khích lệ lòng
cô, trò yêu nước
Tự bốn ngàn năm
đến bây giờ
Cô giảng vần thơ
yêu Tổ Quốc
Hải Ngoại Huyết Thư của Sào Nam(*)
Khiến trò ai
cũng thích học thuộc
Dòng thơ yêu nước
lệ tuôn tràn…
Cô giáo thương
yêu trò nghèo khổ
Sáng mai phải nhịn
đói đến trường
Thấy em ngủ gật
cô giảng khẽ
Sợ trò thức dậy lại
càng thương!
…
Về hưu cô vẫn
không ngơi nghỉ
Đêm thâu thức viết
gửi quê hương
Bài thơ chan chứa
tình yêu trẻ
Như tuổi đang
xoan dạy ở trường
Em biết lòng cô
còn nhức nhối
Với nhiều trẻ nhỏ
chốn học đường
Bị nền giáo dục
nhiều gian dối
Dễ biến chúng
thành lũ bất lương!
Cô giáo ơi về
nơi Chín Suối
Chúc cô thênh thản
chốn Thiên Đường
Cầu nước non
mình mau đổi mới
Để hòa cùng nhịp
sống muôn phương!
Hà Nội,
14/6/2015
Đặng Huy Văn
(*). Hải Ngoại
Huyết Thư của cụ Phan Bội Châu, tức Phan Sào Nam gửi về nước từ Nhật Bản
bằng chữ Hán. Năm 1906 đã được dịch thành 738 câu thể song thát lục
bát bằng chữ Quốc Ngữ.
No comments:
Post a Comment